Gần 30 năm qua, chính sách đối với thành phần kinh tế tư nhân liên tục được điều chỉnh khá nhất quán theo hướng tiến bộ hơn, thực tế cho thấy chất lượng khu vực này vẫn còn nhiều bất cập. Một là số lượng doanh nghiệp trên tỷ lệ dân số quá thấp, hai là quy mô doanh nghiệp quá nhỏ, rất ít doanh nghiệp lớn, không có các tập đoàn tư nhân trong lĩnh vực sản xuất, dịch vụ có khả năng cạnh tranh quốc tế, ba là chất lượng quản trị doanh nghiệp, khả năng liên kết đầu tư trong nước và quốc tế yếu trong điều kiện hội nhập đã được mở tối đa, bốn là các yếu tố sáng tạo, khoa học công nghệ rất thấp, dẫn đến năng suất thấp, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, của sản phẩm yếu… Và rất đáng lo ngại khi một mặt, chính sách càng ngày càng mở theo hướng cạnh tranh, tự do và thuận lợi hơn thì doanh nghiệp Việt lại ngày càng nhỏ lại, yếu đi, trong khi các doanh nghiệp FDI đang mạnh lên, mua lại doanh nghiệp Việt, mở rộng thị trường sản xuất, xuất nhập khẩu lấn át các doanh nghiệp trong nước.
“Vó câu khấp khểnh, bánh xe gập ghềnh”
Ngày 02/09/1945, Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á ra đời, chấm dứt thời kỳ nghìn năm phong kiến cai trị và gần trăm năm thực dân đô hộ. Trong bản Tuyên ngôn độc lập lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lên án thực dân Pháp “không cho các nhà tư sản ta ngóc đầu lên”, đồng thời khẳng định các quyền tự do bất khả xâm phạm trong đó có “quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc của tất cả mọi người” gắn liền với quyền được hưởng tự do và độc lập của đất nước .
Hơn một tháng sau, ngày 13/10/1945, trong Thư gửi giới công thương, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh vai trò to lớn của giới công thương trong công cuộc kiến thiết đất nước để “xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã long trọng cam kết: “Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới công thương trong công cuộc kiến thiết này” và khẳng định “Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà doanh nghiệp thịnh vượng”. Đây là những cam kết rất có ý nghĩa, cho thấy ngay từ những ngày đầu giành được độc lập, Người đứng đầu nhà nước dân chủ nhân dân non trẻ đã đồng nhất sự thịnh vượng của quốc gia gắn liền với sự thịnh vượng trong kinh doanh của giới doanh nghiệp và để thực hiện được điều này, Nhà nước sẽ “tận tâm” phục vụ giới công thương.
Hơn một năm sau, Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hoà năm 1946, một lần nữa đã đặt cơ sở để khuyến khích giới công thương hành động vì “dân giàu, nước mạnh” thông qua điều khoản “quyền tư hữu tài sản của công dân Việt Nam được bảo đảm” tại Điều 12. Ba văn kiện quan trọng trên đây đã cho thấy vai trò quan trọng của giới công thương trong việc kiến quốc, khẳng định ý chí tận tâm phục vụ giới công thương từ phía nhà nước, đặt cơ sở pháp lý cao nhất về quyền được sống, quyền tự do trong đó có quyền tự do kinh doanh và quyền mưu cầu hạnh phúc, quyền được bảo đảm về tài sản tư hữu từ phía Nhà nước .
Tuy nhiên, Nhà nước non trẻ chưa kịp “kiến quốc” đã phải gồng mình “cứu quốc”. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp để bảo vệ tự do, độc lập vừa kết thúc, đất nước lại phải tiếp tục cuộc kháng chiến chống Mỹ để thống nhất đất nước. Chiến tranh có những quy luật riêng nên quyết tâm ngày nào của Chính phủ muốn “tận tâm” phục vụ giới công thương không những không được thực hiện mà trong khoảng một thời gian dài sau đó, một số sai lầm trong cải cách ruộng đất, trong các đợt cải tạo công thương ở miền Bắc (những năm đầu 60), ở miền Nam ( giữa những năm 70 ) của thế kỷ trước đã không thể hiện được quyết tâm nói trên.
Hiến pháp 1960, một mặt, quy định Nhà nước đóng vai trò chủ quản “ chủ sở hữu đối với kinh tế quốc doanh, hướng dẫn và giúp đỡ, bảo vệ kinh tế hợp tác xã" (Điều 23), mặt khác lại quy định “tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với thành phần kinh tế tư bản chủ nghĩa ở thành thị và nông thôn bằng những hình thức thích hợp” (Điều 26). Tiếp theo, Hiến pháp 1980 tiếp tục đề cao vai trò của hai thành phần kinh tế chủ yếu trong thời kỳ này là “kinh tế quốc doanh thuộc hình thức sở hữu của toàn dân, giữ vai trò lãnh đạo trong nền kinh tế quốc dân và được Nhà nước bảo đảm phát triển ưu tiên” (Điều 2), “kinh tế hợp tác xã thuộc hình thức sở hữu tập thể của nhân dân lao động được nhà nước đặc biệt khuyến khích, hướng dẫn và giúp đỡ” (Điều 12). Đối với các nhà tư sản dân tộc, một mặt, Hiến pháp quy định “Nhà nước chiếu theo pháp luật bảo hộ quyền sở hữu về tư liệu sản xuất và của cải khác của nhà tư sản dân tộc”, mặt khác “Nhà nước khuyến khích và hướng dẫn các nhà tư sản dân tộc theo con đường cải tạo xã hội chủ nghĩa bằng hình thức công tư hợp doanh và những hình thức cải tạo khác”. Việc kiên quyết đấu tranh để giữ vai trò chủ đạo của sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể, duy trì vị trí “lãnh đạo” của hai hình thức tổ chức kinh tế là doanh nghiệp nhà nước và hợp tác xã trong một nền kinh tế tập trung, quan liêu, bao cấp kéo dài đã không những không thể đưa kinh tế Việt Nam “sánh vai với các cường quốc năm châu” mà ngược lại, còn dẫn đến khủng hoảng kinh tế, các doanh nghiệp nhà nước, hợp tác xã không “khỏe” lên được mà giới công thương thì bị teo tóp lại !
“Trời còn để có hôm nay”
Công cuộc đổi mới bắt đầu từ những năm 80 của thế kỷ trước đã mở ra hy vọng. Luật Đầu tư nước ngoài 1987, Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân 1990 và những đổi mới sau đó theo hướng chuyển nền kinh tế tập trung, quan liêu, bao cấp sang nền kinh tế thị trường đã giúp đất nước vượt qua hoàn cảnh khó khăn, nhất là sau khi hệ thống xã hội chủ nghĩa tan rã. Tiếp đó, Hiến pháp 1992 với quy định “công dân được quyền tự do kinh doanh theo quy định của pháp luật” đã đặt cơ sở cho các đổi mới sâu hơn với điểm sáng là Luật doanh nghiệp 1999, tuy việc thông qua Luật này cũng không phải là dễ dàng. Còn nhớ sự hoài nghi, thiếu tin tưởng vào chính sách phát triển kinh tế tư nhân đã thể hiện khá rõ khi tổ chức lấy ý kiến doanh nghiệp về dự thảo Luật này. Một số doanh nhân lâu năm đã nghi ngờ về những quy định rất mở của Dự thảo Luật ( như tự do thành lập doanh nghiệp không giới hạn quy mô, ngành nghề, địa bàn hoạt động, về cam kết bảo vệ tài sản của người góp vốn, của doanh nghiệp …).
Họ băn khoăn liệu tài sản, doanh nghiệp của họ có an toàn không khi một mặt, khuyến khích người dân thành lập doanh nghiệp, bảo đảm sự bình đẳng, đồng thời vẫn quy định “kinh tế quốc doanh được củng cố và phát triển, nhất là trong những ngành và lĩnh vực then chốt, giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân (Điều 19) hoặc “Nhà nước tạo điều kiện để củng cố và mở rộng các hợp tác xã hoạt động có hiệu quả (Điều 20) Hiến pháp 1992 … ?
"Tháng 6/2017, Nghị quyết số 10-NQ/TW khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân ghi nhận rằng “kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng để phát triển."
Luật Doanh nghiệp 1999 đánh dấu một bước ngoặt trong chính sách phát triển kinh tế tư nhân theo hướng huy động sức dân, không chỉ bởi các quy định rất tiến bộ, đổi mới của Luật này mà còn ở sự quyết liệt trong chỉ đạo của Nhà nước, sự tuyên truyền mạnh mẽ để nhận sự ủng hộ của đông đảo người dân, doanh nghiệp. Việc thành lập Tổ công tác thi hành Luật doanh nghiệp, việc Chính phủ bãi bỏ hàng trăm giấy phép con, việc nâng cao chất lượng hoạt động đăng ký doanh nghiệp, thay đổi quản lý nhà nước theo hướng “tiền đăng hậu kiểm”… đã mang lại những kết quả rất khả quan. Nếu như trong 9 năm trước (1991 – 1999) chỉ có 45.000 doanh nghiệp được thành lập thì trong 3 năm sau Luật DN đã có khoảng 55.800 doanh nghiệp được thành lập. Bài học kinh nghiệm sâu sắc cần được tiếp tục áp dụng hiện nay là một chính sách đúng ( hợp lòng dân, tin ở dân và được dân tin) được triển khai quyết liệt sẽ tạo nên những đột phá không ngờ. Các DN thành lập trong thời ký này đã góp phần không nhỏ trong việc tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo, giảm bất bình đẳng, giúp phát triển kinh tế tư nhân, đưa lại niềm tin trong dân. Các cải cách tiếp theo trong các lĩnh vực hành chính, thuế, đất đai, đầu tư, lao động … đã cải thiện được phần nào môi trường kinh doanh tuy hãy còn chưa toàn diện, triệt để và quyết liệt nhưng cũng góp phần giúp đất nước vượt qua được thời kỳ khủng hoảng tài chính thế giới .
“Của tin còn một chút này làm ghi”
Năm 2011, Nghị quyết số 09-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế được ban hành, đánh dấu một bước mới về chính sách của Đảng đối với đội ngũ doanh nhân. Nghị quyết cho rằng đội ngũ doanh nhân đã phát huy được tinh thần dân tộc, ý thức trách nhiệm đối với xã hội, góp phần nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế. Một mặt Nghị quyết khẳng định vai trò của doanh nhân rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển nhanh, bên vững và bảo đảm độc lập, tự do của đất nước, mặt khác nhấn mạnh việc xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh là trách nhiệm của Đảng, của hệ thống chính trị, bảo đảm quyền sở hữu và tự do kinh doanh của doanh nhân, khuyến khích họ làm giàu cho mình và cho đất nước. Tháng 6/2017, Nghị quyết số 10-NQ/TW khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân, sau khi tổng kết năm điểm mạnh và bốn điểm yếu của thành phần kinh tế này, đã coi phát triển kinh tế tư nhân là “một yêu cầu khách quan, vừa cấp thiết, vừa lâu dài, là một phương sách quan trọng để giải phóng sức sản xuất, huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển”. Hơn thế, đây là lần đầu tiên, chính sách của Đảng ghi nhận rằng “kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng để phát triển; rằng kinh tế Nhà nước, kinh tế tập thể cùng với kinh tế tư nhân là nòng cốt để phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ và rằng xóa bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà luật không cấm.
Đây có thể coi là một bước tiến quan trọng, bền vững trong chính sách phát triển kinh tế tư nhân, từ chỗ bị coi là “đối tượng phải cải tạo”, đến chỗ công nhận là “một trong những động lực” và đến nay, là “một động lực quan trọng, là nòng cốt” phát triển kinh tế, được bình đẳng, cạnh tranh và hợp tác với các thành phần kinh tế khác. Đây có thể coi là bước đột phá lớn nhất trong chính sách phát triển kinh tế tư nhân hơn 70 năm qua. Và chúng ta có cơ sở để hy vọng trong thời gian tới, kinh tế tư nhân sẽ là động lực chính, dẫn dắt thị trường, ganh đua quốc tế.
Bài học lớn nhất ở đây là phải gây dựng, phát triển lòng tin cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp Việt trong khu vực kinh tế tư nhân, mà yếu tố quan trọng nhất là chuyển biến mạnh mẽ, kiên quyết, đồng bộ từ chính sách thành hành động thực tế của cả hệ thống chính trị, bộ máy Nhà nước để họ thực sự yên tâm, tin tưởng vào một môi trường kinh doanh minh bạch, không phân biệt đối xử, tự do kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng, chi phí thấp nhất, thủ tục thuận lợi, thông thoáng nhất... Họ mong hiện thực hóa vai trò kiến tạo, liêm chính, hành động phục vụ người dân và doanh nghiệp của quốc gia, dựa theo các tiêu chuẩn, tiêu chí trong quản trị quốc gia của Ngân hàng Thế giới, Diễn đàn Kinh tế thế giới để áp dụng, dựa theo kết quả khảo sát của các tổ chức này cũng như của doanh nghiệp, người dân qua PCI, PAPI để đánh giá hiệu quả, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp tư nhân góp ý có hiệu quả với Nhà nước.
Vài năm gần đây, hàn thử biểu đo mức độ hài lòng đối với môi trường kinh doanh tại Việt Nam đã ấm lên, tình hình kinh tế xã hội đã được cải thiện, bước đầu đưa lại niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp về một sự thay đổi quan trọng trong chính sách, coi khu vực kinh tế tư nhân là một trong những động lực chủ yếu, nòng cốt để phát triển một nền kinh tế độc lập, tự chủ.
“Của tin còn một chút này làm ghi”, xin hãy tiếp tục củng cố, bảo vệ và nhân lên niềm tin này: niềm tin vào kinh tế tư nhân nước nhà với tinh thần “tận tâm” phục vụ nó như 70 năm trước Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết.